Uncategorized · October 17, 2024 0

Chính sách ESG tại khu vực APAC (2024)

Author: Mr.Long Trương

Link gốc bài viết

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhận thức ngày càng cao về các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG), khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc thiết lập các tiêu chuẩn báo cáo bền vững (ESG). Điều này không chỉ phản ánh cam kết của các quốc gia trong khu vực đối với phát triển bền vững mà còn là bước đi cần thiết để thu hút vốn đầu tư và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xu hướng chung tại Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương:

Kết quả rà soát các quy định pháp luật và tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến bền vững tại khu vực APAC cho thấy một số điểm nổi bật đáng chú ý sau:

  1. Tiêu chuẩn hóa: Nhiều quốc gia đang tích cực xây dựng tiêu chuẩn báo cáo bền vững, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu cụ thể của từng thị trường. Sự gia tăng này cho thấy sự cần thiết trong việc tạo ra một khung pháp lý đồng nhất và có thể so sánh.
  2. Thời gian hiệu lực: Đa số các quy định mới dự kiến sẽ có hiệu lực trong giai đoạn từ 2025 đến 2028, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuẩn bị và thích ứng với những yêu cầu mới này.
  3. Tính trọng yếu trong báo cáo: Việc ban hành tiêu chuẩn chung đa số nhằm phục vụ cho nhu cầu của các đối tượng tham gia thị trường tài chính, nên phương pháp tiếp cận dựa trên tính trọng yếu tài chính (financial materiality) được áp dụng. Tuy nhiên, cũng có quốc gia như Trung Quốc đã áp dụng phương pháp trọng yếu kép (double materiality), tương tự như EU, cho phép đánh giá tác động của doanh nghiệp đến môi trường và xã hội, đồng thời xem xét cách mà những yếu tố này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp.
  4. Tham chiếu tiêu chuẩn quốc tế: Đa số quốc gia trong khu vực đang dựa vào Tiêu chuẩn Báo cáo bền vững IFRS để xây dựng khung quy định riêng, mặc dù sẽ có các điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh nội địa.

Thông tin cập nhật chi tiết tại một số quốc gia:

1.        Malaysia

Ngày 24/09/2024, Bộ trường Tài chính II YB Senator Datuk Seri Amir Hamzah Azizan công bố Khung báo cáo bền vững quốc gia (NSRF), nhằm nâng cao chất lượng công bố thông tin bền vững của các doanh nghiệp tại Malaysia. Khung Báo cáo bền vững Malaysia được phát triển bởi Ủy ban Tư vấn về Báo cáo Bền vững (ACSR) và được tham chiếu theo Tiêu chuẩn Công bố Bền vững IFRS.

Các tổ chức niêm yết trên Thị trường chứng khoán Malaysia, cũng như các công ty lớn không niêm yết có doanh thu hàng năm từ 2 tỷ RM trở lên sẽ phải tuân thủ các yêu cầu báo cáo mới theo lộ trình:

  • Nhóm 1 – Các công ty niêm yết lớn có doanh thu từ 2 tỷ RM trở lên sẽ phải tuân thủ nghĩa vụ báo cáo từ năm 2025;
  • Nhóm 2 – Tất cả các công ty niêm yết sẽ phải tuân thủ nghĩa vụ báo cáo từ năm 2026;
  • Nhóm 3 – Các công ty lớn không niêm yết có doanh thu hàng năm từ 2 tỷ RM trở lên từ năm 2027.

Malaysia trước hết sẽ yêu cầu các công ty áp dụng Tiêu chuẩn IFRS S2 để công bố thông tin về rủi ro cũng như cơ hội liên quan tới vấn đề khí hậu vào năm 2025. Sau đó, từ năm 2027, yêu cầu công bố thông tin sẽ được mở rộng ra thành công bố rủi ro và cơ hội liên quan tới tất cả vấn đề phát triển bền vững theo Tiêu chuẩn IFRS S1.

Ủy ban Tư vấn về Báo cáo bền vững (ACSR) cũng đề xuất Báo cáo phát triển bền vững của các công ty sẽ được yêu cầu đảm bảo bởi đơn vị kiểm toán hoặc bên thứ 3 độc lập từ năm 2027.

Tham khảo: www.sc.com.my/nsrf

2.        Australia

Ngày 09/09/2024, Hạ viện Australia đã bỏ phiếu để thông qua dự luật sửa đổi Luật Tài chính, trong đó bao gồm yêu cầu báo cáo bắt buộc đối với các công ty lớn về vấn đề liên quan tới khí hậu. Đạo luật mới yêu cầu công bố thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu, cũng như phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị, bắt đầu từ năm 2025.

Việc công bố thông tin bắt buộc sẽ áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng và các công ty tư nhân lớn cần cung cấp báo cáo tài chính hàng năm đã được kiểm toán cho Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC), các tiêu chí cụ thể là:

  • Nhóm 1: Công ty lớn (có hơn 500 nhân viên; doanh thu trên 500 triệu đô la hoặc tài sản trên 1 tỷ đô la; hoặc các công ty có tài sản trên 5 tỷ đô la) phải tuân thủ nghĩa vụ báo cáo từ năm 2025.
  • Nhóm 2: Công ty vừa (từ 250 nhân viên trở lên, doanh thu trên 200 triệu đô la, tài sản trên 500 triệu đô la) phải tuân thủ nghĩa vụ báo cáo từ tháng 7 năm 2026
  • Nhóm 3: Công ty nhỏ (từ 100 nhân viên trở lên, doanh thu trên 50 triệu đô la, tài sản trên 25 triệu đô la) phải tuân thủ nghĩa vụ báo cáo bắt đầu từ tháng 7 năm 2027.

Tiêu chuẩn về báo cáo khí hậu của Australia sẽ dựa theo Tiêu chuẩn Báo cáo bền vững IFRS do Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) phát hành.

Điểm đáng lưu ý đó là Đạo luật đưa ra phương pháp tiếp cận từng bước đối với việc báo cáo phát thải phạm vi 3, tức cho phép các công ty có thêm một năm kể từ khi bắt đầu các yêu cầu công bố của họ để báo cáo về khối lượng phát thải gián tiếp trong chuỗi giá trị của mình. Đồng thời, đạo luật cũng quy định quyền miễn trừ khỏi kiện tụng liên quan đến các công bố phát thải thuộc phạm vi 3 trong vòng 03 năm.

Tham khảo: https://www.esgtoday.com/australia-passes-law-to-begin-mandatory-climate-reporting-in-2025/

3.        Singapore

Sở Giao dịch Singapore (SGX RegCo) sẽ tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất đã cải thiện chế độ báo cáo bền vững của doanh nghiệp sau khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các ý kiến phản hồi trong cuộc tham vấn công khai.

Bắt đầu từ năm tài chính 2025, SGX RegCo sẽ yêu cầu tất cả các đơn vị phát hành (là các công ty phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc các sản phẩm tài chính khác trên thị trường tài chính) phải áp dụng Tiêu chuẩn Công bố Thông tin Bền vững IFRS do Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) phát hành.

Lộ trình áp dụng dự kiến:

  • Từ năm 2025: Công bố thông tin về khí hậu sẽ được thực hiện bắt buộc và áp dụng theo Tiêu chuẩn Công bố Thông tin Bền vững IFRS. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, thông tin phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi 3 chưa phải là nghĩa vụ bắt buộc.
  • Từ năm 2026: Dự kiến các công ty lớn sẽ được yêu cầu báo cáo về lượng khí nhà kính theo phạm vi 3.

Tham khảo: https://www.sgx.com/regco/public-consultations/20240307-consultation-paper-sustainability-reporting-enhancing

4.        HongKong

Ủy ban Chuẩn mực Báo cáo Tài chính của HongKong (HKICPA) đang tham vấn ý kiến các bên liên quan về các Dự thảo của HKFRS S1 – Yêu cầu chung về công bố thông tin tài chính liên quan đến bền vững và HKFRS S2 – Công bố liên quan đến Khí hậu.

HKFRS S1 và S2 (Chuẩn mực Công bố thông tin bền vững Hongkong) được xây dựng và tham chiếu theo tiêu chuẩn Báo cáo bền vững IFRS do Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB), nhằm đồng bộ hóa báo cáo bền vững của các doanh nghiệp tại Hongkong với các tiêu chuẩn toàn cầu, nâng cao tính nhất quán và khả năng so sánh nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Hiện nay, HKFRS S1 và S2 đang trong quá trình tham vấn ý kiến các bên liên quan và cơ quan quản lý tài chính và tiền tệ Hongkong dự kiến sẽ áp dụng chính thức từ 01/08/2025.

Đối tượng áp dụng đó là các doanh nghiệp niêm yết và các định chế tài chính, công ty bảo hiểm tham gia thị trường tài chính HongKong.

Tham khảo: https://gia.info.gov.hk/general/202403/25/P2024032500391_452899_1_1711358339971.pdf

5.        Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp quan trọng để thúc đẩy các thực hành ESG, bên cạnh các sáng kiến nhằm đạt được đỉnh điểm carbon, trung hòa carbon và bảo vệ sinh thái. Ví dụ, Ủy ban Phát triển và Cải cách Thành phố Bắc Kinh đã công bố Kế hoạch Hành động về việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao của Hệ thống Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) (giai đoạn 2024-2027) vào ngày 14 tháng 6 năm 2024. Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh phát hành Hướng dẫn Báo cáo Bền vững. Những hướng dẫn này bước đầu đặt nền móng cho việc lập và công bố Báo cáo ESG đối với các công ty niêm yết.

Tính đến cuối tháng 4 năm 2024, có 1.938 công ty niêm yết dạng đã công bố báo cáo ESG, (theo báo cáo của China Galaxies Securities). Các lĩnh vực đã công bố ESG bao gồm ngân hàng, tài chính phi ngân hàng, thép, khai thác mỏ và tiện ích công cộng.

Để tiêu chuẩn hóa báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp Trung Quốc, ngày 27 tháng 5 năm 2024, Bộ Tài chính Trung Quốc đã mở một cuộc tham vấn công khai về Dự thảo Tiêu chuẩn Công bố Bền vững cho Doanh nghiệp. Nội dung Dự thảo tiêu chuẩn được Bộ Tài chính Trung Quốc công bố yêu cầu các công ty Trung Quốc công bố một cách toàn diện những rủi ro, cơ hội và tác động liên quan đến bền vững có ý nghĩa lớn đối với hoạt động và chuỗi giá trị của công ty. Đây là cách tiếp cận trọng yếu kép (double materiality) mà Châu Âu đã áp dụng trong Tiêu chuẩn ESRS.

Dự thảo Tiêu chuẩn này được xây dựng và tham chiếu theo tiêu chuẩn Báo cáo bền vững IFRS do Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB), dự kiến sẽ được công bố chính thức vào năm 2027.

Tham khảo: https://www.china-briefing.com/news/china-releases-esg-reporting-standards-for-businesses/

6.        Hàn Quốc và Nhật Bản

Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính tại hai quốc gia này đã thiết lập Hội đồng Tiêu chuẩn bền vững quốc gia, là Korea Sustainability Standards Board (KSSB) và Japan Sustainability Standards Board (JSSB). Nhiệm vụ của hội đồng này nhằm xây dựng tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững và khí hậu cho doanh nghiệp tại quốc gia mình. Hội đồng Tiêu chuẩn bền vững quốc gia có sự tương tác chặt chẽ với Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) để xây dựng khung tiêu chuẩn quốc gia dựa trên tiêu chuẩn IFRS đã được ISSB ban hành năm 2022 nhưng có sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với đặc thù của thị trường tài chính nội địa.

Tại Hàn Quốc, dự kiến tiêu chuẩn công bố thông tin bắt buộc sẽ có hiệu lực đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2026, trong khi Nhật Bản sẽ có hiệu lực từ năm 2027.

Tham khảo:

https://www.iss-corporate.com/library/mandatory-climate-disclosure-in-south-korea/

https://www.ssb-j.jp/en/about.html

error: Content is protected !!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
en_USEnglish